Abdullah Ahmad Badawi, chế độ nhân tài, và ketuanan Melayu Ketuanan_Melayu

Một thủ tướng mới

Sau khi Abdullah Ahmad Badawi kế nhiệm Mahathir trong vai trò thủ tướng Malaysia, Ketuanan Melayu được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường trung học quốc lập.

Trước khi Abdullah nhậm chức năm 2003, mặc dù ketuanan Melayu từng được một vài lãnh đạo Mã Lai nổi bật phát biểu, song nó chưa có danh xưng tương thích. Khoảng thời gian này, thuật ngữ "ketuanan Melayu" — "tuan" trong tiếng Mã Lai nghĩa là "quân vương" hoặc "chủ nhân" — được sử dụng phổ biến, thậm chí tiến vào chương trình giảng dạy trung học quốc lập.[172] Giáo sư xã hội học từ Đại học Quốc gia Malaysia Norani Othman từng nói rằng tên gọi gợi lên "khái niệm nô dịch hóa," do "Trong ngôn ngữ Mã Lai cổ, từ 'ketuanan' ngụ ý quyền chiếm hữu đối với các tù nhân, đó là một khái niệm tiền phong kiến cách xa năm 1957, 1963 và ngày nay."[139]

Một sách giáo khoa lịch sử trung học quốc lập phát hành năm 2004 bởi công ty phát hành quốc doanh Dewan Bahasa dan Pustaka định nghĩa ketuanan Melayu là:

Semangat cinta akan apa saja yang berkaitan dengan bangsa Melayu seperti hak politik, bahasa, kebudayaan, warisan, adat istiadat dan tanah air. Semenanjung Tanah Melayu dianggap sebagai tanah pusaka orang Melayu.[173]

Dịch:

Một cảm xúc mạnh mẽ đối với tất cả sự vật có liên quan đến chủng tộc Mã Lai, như quyền lợi chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, di sản, truyền thống và tổ quốc. Bán đảo Mã Lai được nhận định là lãnh thổ của người Mã Lai theo quyền huyết thống.

Năm 2003, Trưởng ban thông tin của Đoàn Thanh niên UMNO là Azimi Daim phát biểu: "Tại Malaysia, mọi người đều biết rằng người Mã Lai là chủ nhân của lãnh thổ này. Chúng tôi cai trị quốc gia này như được quy định trong hiến pháp liên bang. Bất kỳ ai đả động đến các sự vụ của người Mã Lai hoặc chí trích người Mã Lai là [mạo phạm] tính nhạy cảm của chúng tôi."[174]

Mặc dù những người đề xướng khái niệm tuyên bố rằng ketuanan Melayu trực tiếp bắt nguồn từ Điều 153 trong hiến pháp, Ủy ban Reid từng soạn thảo một khuôn khố cho Hiến pháp đã tuyên bố rằng các quy định về đặc quyền của người Mã Lai có tính chất tạm thời, và cuối cùng bị bãi bỏ, viện dẫn lý do duy nhất cho sự tồn tại của chúng là truyền thống và nhu cầu kinh tế trong việc có một hình thức đãi ngộ ưu đãi với người Mã Lai. Mặc dù vậy, những người thách thức ketuanan Melayu hoặc "quyền lợi Mã Lai" vẫn thường xuyên bị chê trách, đặc biệt là từ các chính trị gia trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất.[46] Nhiều chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tiếp tục ám chỉ những người phi Mã Lai là "orang pendatang" hoặc "pendatang asing" (dân nhập cư ngoại quốc).

Chế độ nhân tài

Trước khi rời nhiệm sở, Mahathir Mohamad chỉ trích những người Mã Lai dựa dẫm vào các đặc quyền của họ. Abdullah tiếp tục điều này, cảnh cáo người Mã Lai phải học cách sống mà không cần gậy chống hoặc kết thúc trong xe lăn.[175] Chính phủ của ông bắt đầu thi hành chế độ nhân tài, điều mà Mahathir Mohamad dự kiến đề xuất, và hạn ngạch nhập học đại học được bãi bỏ. Tuy nhiên, một số người cáo buộc rằng điều này không tiệt trừ phân biệt đối xử trong giáo dục. Khóa trình tiền đại học chia làm hai; một khóa trình chuẩn bị cho sinh viên trong khảo thí tiêu chuẩn hóa Sijil Tinggi Persekolahan Malaysia, kéo dài trong hai năm, khóa trình còn lại gồm các hình thức tuyển sinh khác nhau do cá nhân các giảng viên phân hạng, thường kéo dài một năm.

Những người chỉ trích bác bỏ chế độ nhân tài giống như một sự giả bộ, cho rằng nó không công bằng khi nhận định hai khóa trình tương đương đối với mục đích nhập học. Mặc dù bề ngoài là cởi mở với người phi Bumiputra, song những người chỉ trích cho rằng hầu hết những người trúng tuyển là người Mã Lai.[176][177]

Trước đây, tính hợp hiến của các khóa trình tuyển sinh chỉ cho người Mã Lai hoặc Bumiputra bị đặt vấn đề, do Điều 153 được sửa đổi nghiêm cấm từ chối nhập học của học sinh chỉ dựa trên cơ sở sắc tộc.[153] Do vậy, các khóa trình tuyển sinh được mở cửa đối với những người phi Bumiputra. Tuy nhiên, một số thành viên Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất nhận định chế độ nhân tài quá khắc nghiệt đối với các học sinh Mã Lai tại nông thôn, họ có địa vị bất lợi so với các đồng môn tại đô thị, và kêu gọi khôi phục hạn ngạch nhằm tránh một "sân chơi không công bằng".[178]

Trong đại hội năm 2004 của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, Phó chủ tịch thường trực Badruddin Amiruldin vẫy một cuốn sách về Sự kiện 13 tháng 5, cảnh cáo: "58 năm trôi qua chúng ta có một thỏa thuận với các sắc tộc khác, trong đó chúng ta cho phép họ menumpang [cư trú tạm thời] trên lãnh thổ này.... Để không bao giờ có ai trong các sắc tộc khác nghi ngờ về quyền lợi của người Mã Lai trên lãnh thổ này. Đừng đặt câu hỏi về tôn giáo, do điều này là quyền của tôi trên lãnh thổ này." Bộ trưởng Giáo dục bậc đại học Shafie Salleh cũng tuyên bố trong đại hội rằng người phi Bumiputra sẽ không bao giờ được phép nhập học Đại học Công nghệ MARA (UiTM), trường này chỉ dành cho Bumiputra: "Tôi sẽ không thỏa hiệp về vấn đề này."[174][179]

Trong đại hội vào năm sau, Bộ trưởng Giáo dục và người đứng đầu Đoàn Thanh niên UMNO là Hishammuddin Hussein vung keris trong khi kêu gọi khôi phục NEP với vị thế là bộ phận của Chính sách Phát triển Quốc gia (NDP) mà Mahathir Mohamad khởi xướng. Theo Hishammuddin, keris tượng trưng cho vị thế của Đoàn Thanh niên UMNO trong đấu tranh cho chủng tộc Mã Lai. Trong khi đó, cấp phó của ông là Khairy Jamaluddin tranh luận về sự hồi sinh của NEP theo hình thức một thực thể riêng biệt mang tên Nghị trình Quốc gia Mới (NNA).[180] Hishammuddin sau đó mô tả keris như một "biểu tượng đoàn kết", nói rằng "thanh niên ngày này không còn nhìn nhận là như một tượng trưng cho việc tán thành ketuanan Melayu."[181]

"Chính trị sắc tộc"

Nửa cuối năm 2005, các chính trị gia người Hoa trong chính phủ đề xướng vấn đề hiến pháp. Lâm Kính Ích (林敬益) của Gerakan yêu cầu tái xét khế ước xã hội để xác định Bangsa Malaysia có thể đạt được hay không.[182] Lâm Kính Ích bị nhiều chính trị gia Mã Lai nổi bật chỉ trích nghiêm khắc, trong đó có Khairy Jamaluddin và Ahmad Shabery Cheek. Báo chí tiếng Mã Lai vốn chủ yếu thuộc sở hữu của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, cũng chạy các bài viết lên án nghi ngờ khế ước xã hội.[183] Lâm Kính Ích trả lời: "Làm sao các ông mong đợi người phi Mã Lai dốc trái tim và linh hồn của họ cho quốc gia, và đến một ngày chết vì nó nếu các ông vẫn lặp lại về điều này? Vẫy quốc kỳ và hát 'Negaraku' (quốc ca) là những nghi thức, trong khi tình yêu thực chất đối với quốc gia nằm trong tim."[182]

Một năm trước đó, Abdullah nói rằng "khía cạnh quan trọng" nhất của khế ước xã hội là "người bản địa đồng ý cấp quyền công dân cho những người Hoa và Ấn nhập cư". Tuy nhiên, Abdullah tiếp tục nói rằng thuộc tính quốc gia chuyển biến đến mức "các công dân người Hoa và người Ấn có thể gọi đó là quốc gia của họ,"[184] phát biểu phần lớn không được để ý. Cuối cùng, Lâm Kính Ích nói rằng báo chí Mã Lai phóng đại phát biểu của ông và trích dẫn sai lời của ông. Vấn đề kết thúc khi Chủ tịch Đoàn Thanh niên UMNO Hishammuddin Hussein cảnh cáo mọi người không "đem vấn đề ra một lần nữa do nó đã được thỏa thuận trước đây, được đánh giá, lý giải và chứng thực bởi Hiến pháp."[185]

Trong tháng 1 năm 2006, chính phủ công bố một chiến dịch nhận thức Rukunegara. Thông tấn xã của chính phủ là BERNAMA trích dẫn lời Tunku phát biểu vào năm 1986 rằng "Người Mã Lai không chỉ là người bản địa mà còn là chủ nhân của quốc gia này và không ai có thể tranh luận thực tế này". Các điều khoản trong Hiến pháp đề cập đến tôn gáo quốc gia là Hồi giáo, quân chủ, địa vị của tiếng Mã Lai là ngôn ngữ quốc gia, và quyền lợi đặc thù của người Mã Lai được mô tả "giải thích rõ ràng thừa nhận và nhận thức rằng người Mã Lai là 'pribumi' [người bản địa] nguyên trú trên lãnh thổ này." BERNAMA viết rằng tăng cường mới đối với Rukunegara là để ngăn ngừa nghi ngờ về khế ước xã hội, trong đó "quyết định về cực tính chính trị và vị thế xã hội-kinh tế của người Malaysia".[186]

Sau đó, một cuộc khảo sát người Malaysia cho thấy rằng 55% số người trả lời đồng ý rằng các chính trị gia nên "bị khiển trách vì phân chia nhân dân bằng cách vận dụng chính trị sắc tộc". Mukhriz Mahathir bảo vệ các hành động của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất do các cách biệt kinh tế, khẳng định rằng "Chừng nào điều đó vẫn còn, sẽ luôn có người đấu tranh với mỗi chủng tộc để cân bằng mọi thứ." Shahrir Abdul Samad thuộc Mặt trận Dân tộc lập luận rằng các chính trị gia chỉ đơn giản là phản ứng trước "một quốc gia... bị phân chia trong các sắc tộc khác nhau," hỏi rằng, "nếu các ông thảo luận về sự vụ của người Mã Lai trước cộng đồng Mã Lai, nó có phải là vận dụng chính trị sắc tộc?" Chủ tịch của Đảng Tiến bộ Nhân dân là M. Kayveas bất đồng: "Mỗi 12 tháng, các đảng lại quay về mục tiêu đấu tranh chủng tộc đơn nhất của họ, và đến lúc kết thúc đại hội, khi tổng tuyển cử tới, chúng ta mới đàm luận về 'Bangsa Malaysia'."[187]

Phản ánh môi trường bất tín nhiệm và các chính sách chủng tộc chủ nghĩa tại cả Singapore và Malaysia (tại Singapore, các chính sách bị cáo buộc là thân Hoa),[188] Lý Quang Diệu gây nên một cuộc tranh luận khác trong tháng 9 về vị thế của ưu việt của người Mã Lai trong chính trị Malaysia, nói rằng người Hoa "bị gạt ra lề có hệ thống" tại cả Malaysia và Indonesia. Kết quả là sự cố ngoại giao, Lý Quang Diệu sau đó phủ nhận sự duyên biên hóa này bắt nguồn từ các chính trị gia trong chính phủ Malaysia, ông đưa ra lời xin lỗi cho những nhận xét của mình và cũng cố biện hộ cho nó. Abdullah biểu thị rằng ông không hài lòng với điều mà ông gọi là một "lời xin lỗi hạn chế", song chính phủ Malaysia chấp thuận nó.[189][190][191]

Tháng sau đó, một tranh luận nổi lên sau khi Viện Nghiên cứu Chiến lược và Lãnh đạo châu Á (ASLI) phát hành một báo cáo tính toán rằng phần đóng góp của Bumiputra là 45%, một khác biệt rõ rệt so với số liệu chính thức là 18,9%, con số được các chính trị gia sử dụng nhằm duy trì hoặc khôi phục NEP. Một nhà phân tích địa phương cho rằng "Nếu phần đóng góp của Bumiputra là 45%, thì chắc chắn câu hỏi tiếp theo là tại sao cần có những quyền lợi Bumiputera? Điều này có quan hệ mật thiết đối với chính sách của chính phủ và nó (loại bỏ quyền lợi người bản địa) là một điều mà Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất sẽ không chấp thuận vào hiện thời." Phương pháp học của báo cáo bị chỉ trích do sử dụng giá trị thị trường thay vì giá trị danh nghĩa để tính toán phần đóng góp, và giới hạn phạm vi trong 1000 công ty niêm yết công khai. Nó cũng tính các công ty có liên hệ với chính phủ (GLCs) là các công ty thuộc sở hữu của Bumiputra.[192] Tuy nhiên, một số người chỉ trích chính phủ, lý luận rằng giá trị danh nghĩa không phản ánh chính xác giá trị của các doanh nghiệp được nghiên cứu, và tuyên bố rằng một bộ phận đóng góp của GLCs nên được nhận định là thuộc sở hữu Bumiputra.[193] Báo cáo sau đó được rút lại, song tranh cãi tiếp tục sau khi một hãng truyền thông độc lập trích dẫn một nghiên cứu theo phương pháp học của chính phủ theo đó biểu thị đóng góp của Bumiputra vượt mốc 30% vào năm 1997.[194]

Trong cùng tháng, thống đốc Johor Abdul Ghani Othman chỉ trích các chính sách Bangsa Malaysia và "chế độ nhân tài". Ghani miêu tả Bangsa Malaysia là một mối đe dọa đối với người Mã Lai và vị thế theo hiến pháp của họ, cho rằng nó cũng có thể "đe dọa tính ổn định quốc gia". Ghani khẳng định rằng chính sách "phải được áp dụng trong bối cảnh... với người Mã Lai giữ vị thế sắc tộc trung tâm" mô tả chế độ nhân tài là một "hình thức phân biệt đối xử và đàn áp" do học sinh Mã Lai tại nông thôn không thẻ cạnh tranh với các đồng môn tại đô thị.[195] Một vài bộ trưởng liên bang chỉ trích Ghani, một người nói rằng Bangsa Malaysia "không có quan hệ với một sắc tộc được trao cho một vị thế trung tâm so với những người khác", và những người khác lập luận rằng "Nó không động chạm đến các quyền lợi của Bumiputera hoặc các cộng đồng khác."[196]

Trong tháng 10 năm 2007, Lý Quang Diệu lại gây thêm tranh luận sau khi đề xuất rằng "Nếu họ (Malaysia) bằng lòng cung cấp giáo dục công bằng cho người Hoa và người Ấn, sử dụng và đối đãi họ như những công dân của mình, họ có thể ngang bằng với chúng tôi (Singapore) và thậm chí khá hơn chúng tôi và chúng tôi sẽ vui lòng tái gia nhập họ." Trưởng ban thông tin Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất Muhammad Muhammad Taib trả lời, phát biểu trước báo chí rằng Malaysia thi hành các chính sách nhằm giúp đỡ người Mã Lai vốn chịu thiệt thòi về kinh tế, thay vì bỏ mặc họ như Singapore thực hiện, rằng tại một thời điểm người Mã Lai sẽ phải cạnh tranh trên một sân chơi hoàn toàn bình đẳng với những người Malaysia khác.[197]

Phân lưu chính trị

Trong tổng tuyển cử năm 2008, Mặt trận Dân tộc lần đầu tiên không đạt đa số tuyệt đối quá 2/3 trong Dewan Rakyat, có nghĩa họ không còn có thể sửa đổi hiến pháp mà không cần sự ủng hộ của các đảng đối lập. Kết quả bầu cử được nhận định là phản ánh bất mãn về tình trạng kinh tế của quốc gia và gia tăng căng thẳng sắc tộc trong nước; ba đảng đối lập chính vận động dựa trên một nền tảng chỉ trích NEP và phản ứng của chính phủ trước bất bình đẳng kinh tế mở rộng. Tháng sau đó, Thế tử của bang Kelantan là Tengku Faris Petra phát biểu rằng do người Mã Lai đã cấp quyền công dân những người phi Mã Lai, họ không nên tìm kiếm sự bình đẳng hoặc đối đãi đặc biệt.[198] Trong phát biểu của mình, thế tử cũng kêu gọi người Mã Lai đoàn kết nhằm đảm bảo chủ quyền và quyền tối cao của người Mã Lai được duy trì.[199]

Cựu phó chủ tịch Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và cựu Phó thủ tướng Anwar Ibrahim là thủ lĩnh Đảng Công chính Nhân dân, đảng này trở thành đảng lớn thứ nhì trong Quốc hội sau tổng tuyển cử năm 2008, và ông cũng là thủ lĩnh trên thực tế của liên minh Pakatan Rakyat, lựa chọn bác bỏ ketuanan Melayu để ủng hộ "ketuanan rakyat" (quyền tối cao của nhân dân). Tháng 4 năm 2008, ông phát biểu với các ký giả: "Chúng tôi ở đây để chống lại chiến dịch tuyên truyền đại quy mô của các lãnh đạo Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, những người nói về quyền tối cao của người Mã Lai. Và đưa ra câu trả lời dứt khoát rõ ràng để đáp lại điều này, để nói rằng điều chúng tôi muốn, điều chúng tôi yêu cầu là một Malaysia mới, là quyền tối cao cho toàn bộ người Malaysia."[200] Sau đó, phu nhân của ông là Chủ tịch Đảng Công chính Nhân dân Wan Azizah Wan Ismail phát biểu với báo chỉ rằng "chúng ta không nên tiếp tục đàm luận về quyền tối cao Mã Lai hoặc bài xích một chủng tộc nào đó, đó không phải là điều nhân dân muốn thấy," kêu gọi thay vào đó hãy chấp nhận ketuanan rakyat.[201]

Không lâu sau, Hishammuddin xin lỗi vì hành động vung dao keris tại ba đại hội thường niên trước đó của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, nói rằng ông lấy làm tiếc "nếu nó ảnh hưởng đến những người phi Mã Lai". Ông từ chối bình luận về việc liệu ông có lặp lại hành động này trong tương lai hay không.[202] Lời xin lỗi có điều kiện của ông gặp phải chỉ trích gay gắt từ bên trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất; một hãng truyền thông mô tả phản ứng như sau: "cảm nghĩ trong nhiều người trong đảng là người Hoa và người Ấn đã phản bội Mặt trận Dân tộc khi họ bỏ phiếu cho Pakatan Rakyat. Đây là sự tổn thương, là sự tức giận. Vậy tại sao Hishammuddin lại quá quan tâm đến việc người phi Mã Lai nghĩ gì về hành động vung keris?" Nhiều người cảm thấy rằng bản thân hành động xin lỗi đe dọa đến quyền tối cao Mã Lai.[203] Abdullah hoan nghênh lời xin lỗi, nói điều này là thông minh và "nói rõ với người phi Mã Lai vị thế quan trọng của keris có trong cộng đồng Mã Lai".[204] Phản ứng trước các nghi ngờ về giảm bớt quyền tối cao Mã Lai hậu bầu cử, ông nói rằng:

Vì vậy khi chúng tôi nói về (quyền tối cao Mã Lai), chúng tôi muốn nói chúng tôi cần phải thành công trong nhiều lĩnh vực. Nó không bao giờ có nghĩa là thống trị những người khác, hoặc buộc quyền lực của họ dựa vào chúng tôi... Chúng tôi không chuẩn bị trở thành một chủng tộc thống trị những người khác. Chúng tôi muốn trở thành một đảng đại diện cho người Mã Lai và sẵn sàng hợp tác cho tương lai của người Mã Lai và nhân dân, do người Mã Lai cũng sẽ thành công khi toàn bộ người Malaysia thành công.... Đó là quyền tối cao Mã Lai và tôi hy vọng nhân dân sẽ hiểu điều đó.[205]

Bộ trưởng Thông tin Ahmad Shabery Cheek khẳng định rằng ketuanan Melayu không hàm ý một quan hệ chủ nhân-nô lệ theo bất kỳ ý nghĩa nào giữa người Mã Lai và phi Mã Lai. Thay vào đó, nó ám chỉ thể chế các quân chủ Mã Lai, những người từng là "chủ nhân", song từ bỏ quyền tối cao của họ khi hiến pháp liên bang được thông qua khi độc lập. Shabery trích dẫn Điều 182 trong Hiến pháp, theo đó trao một số miễn trừ pháp lý nhất định cho vương thất, như một ví dụ về quyền tối cao Mã Lai.[206] Tuy nhiên, một số thành viên nổi bật trong hàng ngũ vương thất như Quân chủ Perlis và cực Quân chủ liên bang Sirajuddin tự chỉ trích ketuanan Melayu; vào đầu năm 2009, Raja nói rằng "Tại Malaysia, mọi sắc tộc là tuan [chủ nhân]... Tôi tin rằng nếu bất kỳ ai hiểu rằng mọi cá nhân thuộc về một chủng tộc, không nên bị tước đoạt quyền lợi của họ, vậy thì có thể ngưng lại nỗ lực của các đảng nhất định nghĩ rằng quyền tối cao hoặc quyền lợi chỉ nên được trao cho một chủng tộc cụ thể."[207]

Cuối năm 2009, Nội các quyết định thay đổi khóa trình của các chương trình Biro Tata Negara (Cục Giáo dục công dân quốc gia), là điều bắt buộc với các công chức học sinh và sử dụng ngân quỹ quốc gia. Nhiều người, đặc biệt là các chính trị gia đến từ Pakatan Rakyat, trước đó chỉ trích các chương trình của BTN là tuyên truyền cho ketuanan Melayu; với lý do này, chính phủ bang Selangor (PKR lãnh đạo) cấm chỉ các công chức của mình và học sinh tham dự các khóa học BTN.[208] Một số bộ trưởng và Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad bảo vệ BTN là điều cần thiết để thầm nhuần những người tham dự các giá trị của kỷ luật và trung thực, phủ nhận chúng có bất kỳ liên quan gì đến ketuanan Melayu.[209] Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Nazri Aziz khẳng định Nội các có quyền yêu cầu biến đổi trong BTN, gọi Mahathir Mohamad là một người chủng tộc chủ nghĩa và nói rằng:

Họ đều biết đại cương của khóa trình ra sao vậy thì sao chúng ta phủ nhận được nó? Bạn muốn lừa gạt? Bạn khiến mọi người buồn cười. Tôi muốn nói có những người tham dự các khóa trình xong người ta cảm thấy rất tức giận. Có nhiều thí dụ sử dụng các từ như ketuanan Melayu. Điều này thật lố bịch...[208]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ketuanan_Melayu http://www.aliran.com/high9902.html http://www.aliran.com/monthly/2005b/7d.html http://atimes.com/atimes/Southeast_Asia/FJ02Ae05.h... http://www.bernama.com/bernama/v3/news.php?id=1504... http://www.bernama.com/bernama/v3/printable.php?id... http://www.jeffooi.com/2006/10/equity_share_is_rac... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/the_nst_sh... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/we_are_16_... http://www.jeffooi.com/archives/2005/11/i_went_int... http://www.limkitsiang.com/archive/2000/dec00/lks0...